Hướng Dẫn Chụp Ảnh Nội Thất Chuyên Nghiệp Như Tạp Chí

Hướng Dẫn Chụp Ảnh Nội Thất Chuyên Nghiệp Như Tạp Chí
Admin 05/06/2025 15:04:41

Chụp ảnh nội thất đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, thiết kế nội thất, khách sạn, nhà hàng hay xuất bản tạp chí. Hình ảnh nội thất đẹp giúp truyền tải được thẩm mỹ, phong cách và câu chuyện của không gian, giúp gia tăng giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi qua từng bước cụ thể để chụp ảnh nội thất một cách chuyên nghiệp như các bài ảnh trên tạp chí. Bài viết dành cho cả người mới bắt đầu và cả những ai muốn nâng cao tay nghề nhiếp ảnh nội thất.

 

Chuẩn bị trước khi chụp

1. Lên ý tưởng và xác định mục tiêu

Trước khi nhấn nút chụp, hãy lên ý tưởng rõ ràng: bạn đang chụp để quảng bá bất động sản, portfolio thiết kế hay bài tạp chí? Mỗi mục đích đòi hỏi phong cách và cách tiếp cận khác nhau.
Ngoài ra, bạn cần xác định phong cách ảnh mong muốn: hiện đại, tối giản, ấm cúng hay sang trọng. Việc này ảnh hưởng đến bài trí không gian, chọn góc chụp và chỉnh sửa hậu kỳ sau đó.

2. Dọn dẹp và sắp xếp không gian

Không gian cần được dọn dẹp sạch sẽ và ngăn nắp. Hãy loại bỏ những vật dụng không cần thiết, và sắp xếp đồ nội thất sao cho đều mắt, có điểm nhấn.
Thể hiện cảm xúc qua các vật trang trí nhỏ như hoa tươi, khung ảnh, quyển sách hoặc ánh sáng tự nhiên.

Chụp ảnh nội thất

3. Chọn thời điểm chụp

Thời gian chụp lý tưởng là khi ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian, thường là buổi sáng hoặc xế chiều. Tránh chụp vào giữa trưa khi ánh sáng quá gắt.
Nếu cần, có thể dùng rèm mỏ để lọc bớt ánh sáng trực tiếp.

Thiết bị cần thiết

1. Máy ảnh

Nên sử dụng máy ảnh DSLR hoặc mirrorless có thể chỉnh tay hoàn toàn. Việc này cho phép bạn kiểm soát tốc độ mở khẩu, ISO và tốc độ chụp một cách linh hoạt.

2. Ống kính

Ống kính góc rộng (16-35mm) giúp ghi lại toàn bộ không gian mà không bị cắt cứa. Tuy nhiên, cần tránh ống kính bị cong góc quá mạnh sẽ khiến không gian bị sai lệch.

3. Chân máy

Chân máy là thiết bị không thể thiếu giúp ổn định khung hình và cho phép chụp với tốc độ chậm mà không bị rung.

4. Đèn và phần mềm

Trong trường hợp thiếu sáng, đèn LED hoặc flash khuếch tán giúp làm đồng đều nguồn sáng. Phần mềm như Lightroom, Photoshop sẽ hỗ trợ chỉnh sửa chuyên sâu.

Kỹ thuật chụp ảnh nội thất

Tắt đèn, tận dụng ánh sáng tự nhiên

Khi chụp ảnh nhà ở, quán cà phê hay các không gian không quá trang trọng, hãy tắt hết đèn chính và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Mở rèm cửa sổ hoặc cửa ra vào để ánh sáng tràn vào. Ánh sáng tự nhiên giúp ảnh trong trẻo, có chiều sâu và cảm xúc hơn.
Vì sao nên tắt đèn? Đèn trần thường tạo ra ánh sáng phẳng và bóng đổ sắc, dễ làm ảnh thiếu chiều sâu và kém tự nhiên. Trừ khi khách hàng yêu cầu, còn lại bạn nên tắt hết và thử chụp với nguồn sáng tự nhiên. Đèn trang trí vẫn có thể bật nếu phù hợp với không gian.
Hãy dùng la bàn trong điện thoại để xem hướng nhà và xác định thời điểm ánh sáng đẹp nhất trong ngày. Ánh sáng xiên hoặc trời nhiều mây (như một lớp tản sáng tự nhiên) thường tạo hiệu ứng dịu nhẹ, đẹp mắt. Nên kiểm tra thời tiết trước khi chụp.

Chụp ảnh nội thất

Cài đặt máy ảnh đúng cách

Nếu dùng DSLR với ống kính góc rộng (15–30mm), nên chụp ở khẩu độ F8–F9 là đủ. Khẩu quá khép (F11 trở lên) dễ khiến ảnh bị mờ do bụi hoặc rung khi phơi sáng.
Đừng cố gắng chụp thật rộng. Góc quá rộng dễ làm méo tường, kéo giãn không gian một cách không cần thiết. Hãy chụp ở tiêu cự 18mm trở lên để giữ hình ảnh cân đối và tự nhiên hơn.
Ngoài ảnh toàn cảnh, bạn cũng nên chụp cận cảnh các chi tiết bằng ống 50mm, 85mm hoặc 100mm (hoặc zoom trên điện thoại). Một bộ trà, vài cuốn sách hay góc bàn cũng có thể kể câu chuyện về không gian sống, cá tính và phong cách người dùng.

Dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc

Dọn sạch mọi thứ không cần thiết khỏi khung hình: rác nhỏ, dây điện, cáp, vật dụng linh tinh. Sắp xếp ghế, bàn cho ngay ngắn, gọn gàng, vuông góc với sàn và trần. Đó là những yếu tố khiến ảnh bạn trông chuyên nghiệp và dễ chịu hơn.
Bạn có thể trang trí thêm cho không gian bằng bình hoa, bộ trà, bữa sáng, vài cuốn sách… để tăng cảm xúc và mang “hơi người” vào bức ảnh.

Chụp ảnh nội thất

Hoạ tiết và đồ vật kể chuyện

Những chi tiết nhỏ như bộ ấm trà, giá sách, tay nắm cửa, bình hoa… đều chứa đựng câu chuyện và phong cách của không gian. Hãy quan sát kỹ để hiểu và tôn vinh chúng trong ảnh.
Kiến trúc không chỉ là hình khối, mà còn là vật liệu, hoa văn, họa tiết đặc trưng theo từng phong cách, thời kỳ, vùng miền. Khi bạn cảm và hiểu được điều này, bạn sẽ biết cách phối đồ và chụp chi tiết hợp lý, hài hòa.
Lưu ý: khi chụp chi tiết, đừng dùng ống kính góc rộng quá gần — điều này dễ làm biến dạng hình ảnh. Nên dùng tiêu cự dài hoặc zoom trên điện thoại.

Tạo sự tương tác

Nếu chụp một văn phòng hay không gian sống mà quá trống vắng, ảnh dễ trở nên lạnh lẽo, thiếu cảm xúc. Trong trường hợp đó, hãy thử đưa một người thật vào khung hình – dù chỉ là đi ngang, ngồi làm việc hay pha trà. Sự hiện diện con người giúp không gian sống động và gần gũi hơn nhiều.

Chụp ảnh nội thất

Dùng live view và canh đường chân trời

Hãy luôn dùng chế độ live view (xem trực tiếp trên màn hình) và canh đường chân trời thẳng. Điều này giúp bạn phát hiện những thứ bị lệch như tranh, đèn, giường, bàn… và chỉnh lại trước khi chụp.
Nên dùng máy ảnh có màn hình xoay lật hoặc điện thoại để dễ thao tác từ nhiều góc độ.

Dùng chân máy ảnh (tripod)

Chân máy rất quan trọng, dù bạn dùng DSLR hay điện thoại. Nên chọn loại chân ba trục để dễ chỉnh từng hướng chính xác. Tránh loại đầu bi vì khó kiểm soát khi cần điều chỉnh nhẹ.
Nếu có điều kiện, nên đầu tư thêm L-bracket để chuyển đổi nhanh giữa khung dọc và ngang.

Chụp ảnh nội thất

Cẩn thận khi dùng góc siêu rộng

Chụp siêu rộng có thể khiến ảnh méo mó và thiếu cảm xúc. Đừng vì muốn thấy “toàn bộ không gian” mà dùng góc 14mm hay 0.5x trên điện thoại — trừ khi thật sự cần.
Hãy bắt đầu từ tiêu cự 24mm, sau đó mở rộng nếu cần. Đừng cố nhồi tất cả vào một khung ảnh. Hãy để người xem được cảm nhận không gian qua sự chọn lọc và bố cục tinh tế.
Nếu bắt buộc phải dùng góc rộng, hãy chụp thêm một phiên bản ở tiêu cự bình thường để so sánh sau.

Chụp từ độ cao trung bình của không gian

Một mẹo đơn giản nhưng hiệu quả: đặt máy ảnh ở độ cao bằng một nửa chiều cao phòng. Đây là cách giúp ảnh cân đối, đặc biệt khi chụp ngang.
Tùy từng nội dung (bàn, giường, kệ sách…), bạn có thể hạ hoặc nâng máy, nhưng tránh các góc nhìn "lạ mắt" như chụp từ sát sàn – rất khó sử dụng thực tế.

Chụp ảnh nội thất

Kỹ thuật chụp HDR

Nếu bạn chụp ở nơi có độ chênh sáng cao (ví dụ: cửa sổ sáng, góc phòng tối), hãy chụp HDR. Với DSLR, chụp 3 tấm ở các mức -1, 0, +1 stop rồi ghép lại. Với điện thoại, bật chế độ HDR là đủ.
HDR giúp ảnh cân bằng sáng – không cháy, không tối – và giữ được chi tiết ở cả vùng sáng lẫn tối.

Hậu kỳ chỉnh sửa

Cân bằng trắng

Chỉnh lại white balance giúp ảnh thể hiện màu sắc trung thực, tránh bị ám vàng, xanh hoặc tím – đặc biệt quan trọng trong không gian có ánh sáng nhân tạo. Bạn có thể dùng eyedropper tool trong Lightroom để chọn vùng trung tính và cân bằng màu sắc.

Chỉnh sáng, tông màu và độ nét

Tăng nhẹ độ tương phản, điều chỉnh sáng – tối để làm nổi bật các chi tiết, nhưng vẫn giữ tổng thể ảnh tự nhiên. Tránh lạm dụng hiệu ứng HDR hoặc clarity quá mức khiến ảnh bị gắt và thiếu chân thực. Hãy dùng công cụ “Highlight” và “Shadow” để lấy lại chi tiết ở vùng sáng và tối.

Chụp ảnh nội thất

Nắn thẳng đường viền và chỉnh phối cảnh

Trong ảnh nội thất, việc giữ các đường dọc và ngang chuẩn là rất quan trọng. Dùng tính năng “Transform” trong Lightroom hoặc Photoshop để nắn thẳng các đường méo do ống kính gây ra, giúp khung hình trở nên chuyên nghiệp như trong tạp chí.

Loại bỏ chi tiết thừa

Sử dụng công cụ Clone hoặc Healing để xóa những chi tiết không mong muốn như dây điện, ổ cắm, vết bẩn trên tường… nhằm đảm bảo sự gọn gàng và tập trung vào nội thất.
Chụp ảnh nội thất chuyên nghiệp không chỉ là việc ghi lại hình ảnh, mà còn là quá trình kể câu chuyện về không gian, ánh sáng và cảm xúc. Từ việc chuẩn bị, lựa chọn thiết bị, kỹ thuật chụp đến hậu kỳ chỉnh sửa – mỗi bước đều góp phần tạo nên một bức ảnh đẳng cấp như trên tạp chí.